Dragon Hotel

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc – Linh thiêng cổ tự nghìn tuổi bên Hồ Tây

3KM từ khách sạn

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ) cách Dragon Hotel 3km về phía Đông. Chùa có lịch sử 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.

Được ví như một hòn đảo xanh nằm soi mình bên sóng nước Hồ Tây, chùa Trấn Quốc ngày nay được xem là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng không chỉ bởi địa thế mà còn bởi lịch sử gắn liền với dân tộc, với Phật giáo Thăng Long – Hà Nội. Ai đến tham quan đều rất ngạc nhiên trước không gian tĩnh lặng, vẻ đẹp nên thơ của “đóa sen” nổi trên mặt nước hồ Tây.

Kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mông, chùa được coi là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.

Trấn Quốc tự xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Đặc biệt vào thời Lý và thời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua.

Các đời chúa Trịnh đã biến nơi đây thành hành cung (nơi ở của vua chúa khi đi chơi). Sau khi chúa Trịnh bị diệt, vua Lê Chiêu Thống hạ lệnh đốt hết những nơi chúa Trịnh đã ở. Nhờ sự bảo vệ của dân trong phường nên lính của vua Lê chỉ đốt những phòng dựng trên bè nổi quanh chùa do chúa Trịnh làm cho bọn hoạn quan và cung nữ, còn chùa vẫn giữ được nguyên vẹn.

Với lịch sử xây dựng trên nghìn năm, nơi kinh đô của Phật giáo trong thời kì Lý – Trần, chùa Trấn Quốc được xem là danh thắng chốn Kinh kì xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.